HỌC, HỌC NỮA, HỌC MÃI [V.I. Lênin (1870–1924)] ----- TRONG CÁCH HỌC, PHẢI LẤY TỰ HỌC LÀM CỐT [Hồ Chí Minh (1890–1969)] ----- GIÁO DỤC LÀ LÀM CHO CON NGƯỜI TÌM THẤY CHÍNH MÌNH [Socrates (469–399 TCN)] ----- KIẾN THỨC CHỈ CÓ ĐƯỢC QUA TƯ DUY CỦA CON NGƯỜI [A. Einstein (1879–1954)] ----- HỌC TẬP LÀ HẠT GIỐNG CỦA KIẾN THỨC, KIẾN THỨC LÀ HẠT GIỐNG CỦA HẠNH PHÚC [Ngạn ngữ Gruzia] ----- TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH [F. Bacon] 

Đạo văn (Plagiarism) và việc trích dẫn tài liệu tham khảo

Đăng lúc: 22/03/2023 (GMT+7)
100%

 

1. Đạo văn và việc trích dẫn tài liệu tham khảo ở Việt Nam                               

     Vấn đề đạo văn (plagiarism) ở Việt Nam thời gian gần đây đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết vì nó xảy ra không chỉ trong một số ngành thuộc khoa học xã hội như trước mà ngày càng lan rộng với các chuyên ngành khác. Đạo văn, theo định nghĩa của Merriam-Webster Online Dictionary, là hình thức ăn cắp và hình thành những ý tưởng hay ngôn từ mới khởi nguồn từ ý tưởng của ai đó; sử dụng sản phẩm của một ai đó mà không công bố nguồn; hoặc giới thiệu một ý tưởng hay sản phẩm mới được chuyển hóa từ nguồn đã có từ trước.

     Nguyên nhân chính yếu dẫn đến đạo văn đó là không có kiến thức, hiểu biết về đạo văn theo định nghĩa quốc tế, dẫn đến đạo văn ngoài ý muốn. Một ví dụ có thể kể đến như việc cuối tháng 10 năm 2010, một nhóm tác giả Việt Nam đã bị rút bài trên tạp chí quốc tế uy tín về vật lý vì lí do đạo văn, nhưng chính họ cũng không biết rằng mình đã đạo văn khi biện hộ rằng “chỉ là đã không nêu rõ nguồn tài liệu tham khảo”. Hoặc như trong một nghiên cứu của Đại học Duy Tân về việc khảo sát hơn 2.000 tân sinh viên nhập học năm 2014, kết quả cho thấy 84% sinh viên từng chép từ nửa trang A4 trở lên trong sách tham khảo, giáo trình, tài liệu trên Internet mà không ghi nguồn và 84% sinh viên này đều cảm nhận việc làm ấy là “bình thường”. Các lý do được đưa ra là không biết cách trích dẫn (36%), không nhớ tên tác giả (12%), không quan tâm (9%) và không thể viết hay hơn (15%).

     Việc trích dẫn công trình của người đi trước trên thực tế là một việc làm rất tốt, được đánh giá rất cao, vì điều đó chứng tỏ người viết đã dày công tìm tòi, nghiên cứu, so sánh, tổng hợp kiến thức khi làm bài. Việc trích dẫn còn giúp nâng cao tính khoa học của bài viết, cho thấy công lao, đóng góp của người nghiên cứu, cho thấy tính chuẩn mực và hệ thống trong nghiên cứu của người viết, tôn trọng tác quyền của tác giả tài liệu gốc và bồi dưỡng ý thức đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực nghiên cứu.

2. Khi nào nên và không nên trích dẫn tài liệu?

- Nhà nghiên cứu nên trích dẫn khi:

  • Bảo vệ quan điểm, luận cứ khoa học (trích dẫn để củng cố cho luận điểm của mình)
  • Nêu ví dụ, dẫn kết quả, số liệu, hình ảnh đã được công bố, kiểm chứng hay thừa nhận
  • Tóm tắt ý kiến, giả thuyết, kết luận của người khác

​- Nhà nghiên cứu không nên trích dẫn:

  •  Những chi tiết nhỏ nhặt
  • Nguyên văn các đoạn dài
  • Những ý có thể tự diễn đạt
  • Những kinh nghiệm, ghi nhận, ý kiến của bản thân (trừ khi dẫn từ các tài liệu đã công bố)
  • Những kiến thức đã trở nên phổ thông *

     (*) Việc nhận ra kiến thức nào là phổ thông, kiến thức nào là mới, đòi hỏi người nghiên cứu phải có kiến thức tích lũy khá tốt. Một kiến thức đôi khi là mới, cần trích dẫn đối với người mới vào nghề nhưng lại là kiến thức phổ thông với người có chuyên môn. Tuy nhiên, việc xem một kiến thức nào đó đã trở thành phổ thông và kiến thức nào còn mới, nhất là đối với các ngành khoa học xã hội là một ranh giới mập mờ. Vậy nên, các bạn sinh viên nên trích dẫn nguồn nếu đã có tham khảo và đưa vào bài viết những ý tưởng của người khác.

Các quy tắc trích dẫn

  • Khi dùng thông tin khoa học của người khác (ý kiến, nhận xét, thảo luận, kết luận, hình ảnh, biểu đồ, biểu bảng, số liệu thống kê...) trong tài liệu khoa học của mình, người viết phải dẫn ra nguồn cung cấp thông tin ngay sau đó
  • Tài liệu trích dẫn tham khảo phải được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo
  • Tài liệu có liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo phải được trích dẫn trong bài viết (ở Việt Nam, có khi liệt kê rất nhiều nhưng thật sự không tham khảo mà chỉ lôi tài liệu tham khảo của người khác vào của mình). Nhưng người nghiên cứu cần phải lưu ý các khái niệm sau:
  • Danh mục tham khảo (references list): danh mục các tài liệu tham khảo trích dẫn trong bài viết
  • Thư mục (bibliography): danh sách các tài liệu nền tảng để viết bài nhưng không có trích dẫn
  • Khi không đọc trực tiếp toàn văn tài liệu chứa thông tin gốc: tuân theo cách trích dẫn gián tiếp, không liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo
  • Cách trích dẫn phải có tính thống nhất trong toàn bộ bài viết và phù hợp với cách trình bày trong danh mục tham khảo

Các hình thức trích dẫn:

  • Trích dẫn nguyên văn: sao chép lại như nguyên bản trong tài liệu gốc. Mẫu trích dẫn thường được đặt trong dấu ngoặc kép và in nghiêng, có thể lược các đoạn thừa bằng kí hiệu […]

     Ví dụ: “Điều then chốt để hiểu kinh tế học vi mô là phải nhận biết rằng tiêu điểm chính của nó là vai trò của các loại giá.” (Gittins, 2006, trang 18).

     Tiến Sĩ Trần Mai Ước đã từng chỉ ra rằng “[…] Do vậy, tồn tại một bộ phận giảng viên chưa nắm vững phương pháp nghiên cứu khoa học, cách tìm tài liệu tham khảo …” (Nghiên cứu khoa học của giảng viên – yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học trong giai đoạn hiện nay, 2013).

  • Trích dẫn diễn ngữ (diễn giải và tổng hợp thông tin): Diễn đạt lại những gì người khác nói hay viết bằng ngôn từ khác đi, đặc biệt, là để làm cho vấn đề trở nên dễ hiểu hơn. Đối với trích dẫn diễn ngữ thì nội dung sẽ nằm lẫn trong đoạn văn bản của người viết. Trích dẫn diễn ngữ khó hơn so với trích nguyên văn vì tác giả phải am hiểu ngữ vựng, nghĩa câu văn gốc và có kĩ năng trình bày trôi chảy. Sau đây là một số cách trích dẫn diễn ngữ thông dụng:
  • Trích và tóm tắt những điểm quan trọng, đồng thời, nói rõ điểm này có từ ai và những quan điểm của nhà nghiên cứu.

+ Nêu quan điểm của họ:

Ví dụ : Brown (1983, p. 231) cho rằng có một cách tiếp cận hiệu quả hơn là ... /

+ Nêu quan điểm của họ và sự đồng ý của người viết:

 Ví dụ : Brown (1983, p. 231) đã chỉ ra rằng một cách tiếp cận hiệu quả hơn là ... /

+ Nêu quan điểm của người viết được hỗ trợ bởi một nghiên cứu trước đó:

 Một cách tiếp cận hiệu quả hơn nhiều là ... (Brown, 1983, p. 231).

  • Thể hiện sự đồng ý với những gì người đó nói:

Nghiên cứu của X chỉ ra/ cho thấy (rằng) ... / Nhắc đến X, người ta thấy rằng ... / Việc tham khảo X cho thấy ... / trong một nghiên cứu của Y, X thấy rằng ... / Như X đã cho thấy, ... / X đã chú ý đến thực tế là ... / X lập luận chính xác rằng ... / X đã đúng khi chỉ ra rằng ... / X làm rõ một điều rằng ...

  •  Thể hiện sự không đồng ý với những gì người đó nói:

X đã tuyên bố một cách sai lầm rằng ... / Công trình của X khẳng định rằng ... / X cảm thấy rằng ... / Tuy nhiên, Y không đồng tình với lập luận của X rằng ...

  • Đưa ra kết luận, ý kiến tổng hợp:

Các bằng chứng đã dường như chỉ ra rằng ... / do đó, phải công nhận rằng ... / Vì vậy, các chỉ dẫn cuối cùng đều dẫn đến là ... / Do đó, rõ ràng là ... / Như vậy có thể kết luận rằng ... / Các bằng chứng đã rõ ràng rằng ... / Trên cơ sở đó có thể suy ra rằng ... / Với những bằng chứng này, có thể thấy rằng ...

  •  Trích dẫn gián tiếp (khá phổ biến ở Việt Nam vì khả năng tiếp cận tài liệu của sinh viên và nhà nghiên cứu bị hạn chế): có nghĩa thông tin gốc của tác giả A, nhưng chỉ biết thông qua tác giả B. Nói rõ hơn là nội dung thông tin gốc được biết qua lăng kính của một người khác. Chúng ta có thể trích dẫn gián tiếp bằng cách dẫn nguyên văn hoặc diễn ngữ

Ví dụ: Trong gia đình luôn có “những cánh tay làm việc lẫn những miệng ăn phải nuôi; trẻ em và người già là những miệng ăn, những đôi tay của họ thì không có ích lợi gì bao nhiêu cho lao động, ngược lại, thanh niên và người lớn sản xuất nhiều hơn cái mà họ ăn, và diễn ra một sự tái phân phối giữa người này và người kia, mỗi người đều biết rằng trong suốt cuộc đời, mình sẽ trải qua tất cả các tình cảnh” (Henri Mendras. 1995:39-49, dẫn lại theo Trần Hữu Quang, 2011:5).

3. Biểu tham khảo và các cách viết biểu tham khảo

     Biểu tham khảo là một bản ghi chi tiết các thông tin tham khảo cần thiết trong danh mục tài liệu tham khảo. Cấu trúc của một biểu tham khảo thường bao gồm: tên tác giả; tên sách (hay tên bài báo, tên chương sách,tên bài tham luận hôi nghị); nơi xuất bản; nhà xuất bản; năm xuất bản; trang đầu-trang cuối (đối với bài báo và chương sách) hoặc đơn vị chịu trách nhiệm công bố; phương tiện công bố; thời gian công bố hay cập nhật; thời điểm tham khảo; địa chỉ mạng (đối với tài liệu điện tử). Các thành tố trong một biểu tham khảo gọi là các dẫn tố. Các kiểu trích dẫn khác nhau chỉ là sự thay đổi trật tự các dẫn tố.

  • Sách
  • Cấu trúc biểu tham khảo theo  MLA

Okuda, Michael, and Denise Okuda. Star Trek Chronology: The History of the Future. New York: Pocket, 1993. Print.

  • Cấu trúc biểu tham khảo theo Vancouver:

Getzen TE. Health economics: fundamentals and flow of funds. New York (NY): John Wiley & Son; 1997.

  • Cấu trúc biểu tham khảo theo  Bộ GD & ĐT Việt Nam

Nguyễn Hữu Đống, Lâm Quang Du (1997), Đột biến – Cơ sở lý luận và ứng dụng, NXB Nông Nghiệp, Hà Nội. 

  • Cấu trúc biểu tham khảo theo  APA

  Nguyễn, H. Đ., & Lâm Q. D. (1997). Đột biến – Cơ sở lý luận và ứng dụng. Hà Nội, NXB Nông Nghiệp

  • Bài báo tạp chí:
  • Cấu trúc biểu tham khảo theo MLA

Hodges, F. M. "The Promised Planet: Alliances and Struggles of the Gerontocracy in American Television Science Fiction of the 1960s." 
Aging Male 6.3 (2003): 175-82. Web. 18 Feb. 2010.

  • Cấu trúc biểu tham khảo theo kiểu Vancouver:

Haas AN, de Castro GD, Moreno T, Susin C, Albandar JM, Oppermann RV, et al. Azithromycin as a adjunctive treatment of aggressive periodontitis: 12-months randomized clinical trial. J Clin Periodontol. 2008 Aug; 35(8):696-704.

  •  Cấu trúc biểu tham khảo theo  Bộ GD & ĐT Việt Nam

Quách Ngọc Ân (1992), “Nhìn lại hai năm phát triển lúa lai”, Di truyền học ứng dụng, 98(1), tr. 10-16.

  • Cấu trúc biểu tham khảo theo  APA

Quách, N. A. (1991). Nhìn lại hai năm phát triển lúa lai. Di truyền học ứng dụng, 98, 10-16.

  • Trang web:
  •  Cấu trúc biểu tham khảo theo kiểu MLA

Epsicokhan, Jamahl. "Confessions of a Closet Trekkie." Jammer's Reviews. N.p., 20 Feb. 2004. Web. 15 Mar. 2010.

  • Cấu trúc biểu tham khảo theo Vancouver:

American Dental Hygienists’ Association [Internet]. Chicago: American Dental Hygienists’

Association; 2009 [cited 2009 May 30]. Available from: http://www.adha.org/

  • Cấu trúc biểu tham khảo theo  Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam

Đại học Huế (10/12/2010), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khảo sát mô hình Đại học hai cấp tại Đại học Huế, truy cập từ http://hueuni.edu.vn/hueuni/news_detail.php?NewsID=2611&PHPSESSID=082d1bb9d9e61b07ac2cc7e02b9bfa3b

  • Cấu trúc biểu tham khảo theo  APA

Đại học Huế. (2010). Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khảo sát mô hình Đại học hai cấp tại Đại học Huế. Truy cập ngày 16 tháng 12, 2010 từhttp://hueuni.edu.vn/hueuni/news_detail.php?NewsID=2611&PHPSESSID=082d1bb9d9e61b07ac2cc7e02b9bfa3b   

Lưu ý: Tùy theo ngành học, học sinh, nghiên cứu sinh được yêu cầu áp dụng quy định trích dẫn nguồn theo các tiêu chuẩn khác nhau như APA (Giáo dục, Tâm lý, Xã hội), MLA (Xã hội và Nhân văn) hay như theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

4. Công cụ hỗ trợ trích dẫn

     Công cụ Zotero là một dự án của Trung tâm Lịch sử và Truyền Thông Mới Roy Rosenzweig; do Quỹ Andrew W. Mellon Foundation, thuộc Viện Dịch vụ Bảo tàng và Thư viện, và Quỹ Alfred P. Sloan Foundation, tài trợ, hiện đang được sử dụng phổ biến tại hơn 100 trường Đại học tại Mỹ.

Các tính năng chính:

  • Tổ chức, xây dựng bộ sưu tập và chia sẻ tài liệu tham khảo,
  • Tự động động trích xuất thông tin thư mục từ các trang web, tài liệu từ cơ sở dữ liệu điện tử,
  • Lưu lại ảnh chụp màn hình các trang web,
  • Tạo chú thích trong quá trình dùng tài liệu tham khảo,
  • Chèn trích dẫn theo kiểu tùy chọn vào trang soạn thảo,
  • Tìm kiếm trong bộ sưu tập tài liệu tham khảo.

Ưu điểm lớn nhất của Zotero chính là giúp cho việc thay đổi các định dạng biểu tham khảo theo các kiểu khác nhau dễ dàng hơn bằng các nút lệnh mà chúng ta không phải làm thủ công để thay đổi vị trí của các dẫn tố. (Tham khảo hướng dẫn sử dụng chi tiết ở phần tài liệu tham khảo chính)

trichdan.png

(Giao diện của phần mềm Zotero, nguồn: http://coongcu.com/2014/12/trich-dan-nguon-de-dang-hon-voi-zotero/)

     Nói tóm lại, để tránh đạo văn, trước hết, các nhà nghiên cứu cần thay đổi quan niệm về việc trích dẫn tài liệu và đạo văn. Đồng thời, các nhà nghiên cứu nên tìm hiểu phương pháp và qui định về trích dẫn tài liệu cũng như cách để diễn giải, trích yếu và tổng hợp thông tin từ các tài liệu tham khảo. Ngoài ra, các công cụ hỗ trợ cho việc trích dẫn cũng sẽ là cánh tay đắc lực để không chỉ hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong việc chuẩn hóa cách trích dẫn tài liệu mà còn giúp tránh thiếu sót một phần thông tin trích dẫn hoặc quên trích dẫn, dẫn đến đạo văn.

 

 

Nguồn tin: Thư viện Đại học Hà Nội,   Tác giả: Trung tâm Thông tin - Thư viện